Theo Hiệp hội thép Việt Nam, thị trường thép trong nước tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tốt trong tháng 11/2015. Đặc biệt, sản xuất thép xây dựng tiếp tục phá kỷ lục về sản lượng từ trước đến nay.
Sản xuất thép tại Nhà máy cán thép Lưu Xá. (Ảnh Hoàng Nguyên/TTXVN)
Tính chung trong 11 tháng năm 2015, sản xuất thép xây dựng đạt hơn 6,1 triệu tấn, tăng 30,1% so với cùng kỳ 2014.
Đây là mức tăng cao nhất so với mức tăng trưởng bình quân của sản phẩm này những năm gần đây. Bán hàng thép xây dựng đạt gần 5,9 triệu tấn, tăng 24,3% so cùng kỳ.
Dẫn đầu thị trường ở mặt hàng này vẫn là Tổng công ty Thép Việt Nam và Hòa Phát với lượng sản xuất lần lượt là 1,35 và 1,27 triệu tấn, chiếm tổng cộng hơn 43% thị phần.
Báo cáo từ Hiệp hội thép cho hay sản xuất các sản phẩm thép của doanh nghiệp tính riêng trong tháng 11/2015 đạt hơn 1,3 triệu tấn, tăng hơn 28% so cùng kỳ 2014.
Lượng thép xây dựng tháng 11/2015 của các thành viên hiệp hội đạt hơn 627.700 tấn, tăng hơn 1,5% so với tháng trước và tăng gần 33% so với cùng kỳ năm 2014.
Lượng bán hàng thép xây dựng đạt hơn 593.000 tấn, cũng tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Ở mặt hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, sản xuất, bán hàng và xuất khẩu đều có mức giảm nhẹ so với tháng trước, nhưng vẫn giữ được tăng trưởng so với năm 2014.
Trong tháng 11/2015, sản xuất tôn đạt hơn 290.000 tấn, giảm 5,2% so tháng trước và tăng 39% so cùng kỳ. Bán hàng tôn đạt hơn 197.600 tấn, giảm 4% so tháng trước và tăng 23% so cùng kỳ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa cho biết thị trường bất động sản phục hồi, khởi sắc giúp thúc đẩy tiêu dùng thép trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã biết chủ động hơn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh như cải tiến kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, ngành thép vẫn phải đối mặt với lượng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc "đội lốt" hợp kim tràn vào thị trường trong nước: như phôi Trung Quốc có hàm lượng crom.
Do vậy, cơ quan chức năng cần triển khai các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại cho việc nhập khẩu, và triển khai thực hiện quản lý xuất nhập khẩu, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp thép.
Bên cạnh đó, ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để cạnh tranh, thì doanh nghiệp cần nâng cao kiến thức về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo Đức Dũng/Vietnamplus